http://baoholaodongdaiphat.com/modules/mod_image_show_gk4/cache/slider.1gk-is-97.pnglink
http://baoholaodongdaiphat.com/modules/mod_image_show_gk4/cache/slider.banner_xkldgk-is-97.jpglink
«
»
Loading…

Kiếm tiền nhờ xuất khẩu chanh tươi

Ông Nguyễn Văn Thành, ở huyện Bình Chánh (TP HCM) xuất khẩu nhiều nông sản sang Mỹ, Canada như sầu riêng, thanh long, đậu Hà Lan, bưởi, mít tố nữ, dừa xiêm... Trong đó, mang chanh xuất ngoại khiến ông đối mặt với nhiều thách thức hơn cả, nhất là ở chặng đường đầu chưa am hiểu kỹ về loại trái cây có vị chua rất riêng của Việt Nam. Đó là lý do ông mất trắng gần 20 tấn hàng trong 2 chuyến đầu tiên xuất qua Canada vì hàng  chưa kịp đến tay người tiêu dùng đã dập nát, chảy nước, không đủ tiêu chuẩn bày bán.

Chanh xuất khẩu phải đồng nhất về kích cỡ, trọng lượng và phải giữ được màu xanh khi bày bán ở nước ngoài. Ảnh: Phương Nga

 


Một dịp tình cờ đọc báo mạng có nội dung thanh long Việt xuất khẩu qua Mỹ hầu như không đạt chất lượng, ông nảy ra ý nghĩ tại sao trái cây Việt không thể bảo quản được lâu như Thái Lan, Trung Quốc trong khi chất lượng ngon hơn hẳn... Là người nhạy bén trong kinh doanh, từng là giám đốc một công ty chuyên cung cấp bao bì cho các đơn vị xuất khẩu trái cây, nên ông nhận ra được cơ hội mới để kiếm tiền.

Ông quyết định sang Mỹ tìm hiểu thị trường trái cây, tham quan các siêu thị cũng như gặp gỡ một số đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 2011, nhờ mối quan hệ với vài công ty trong nước chuyên xuất trái cây, ông có cơ hội  làm việc với một doanh nghiệp Canada và họ ngỏ ý muốn nhập chanh.

Theo yêu cầu của đối tác, quả sạch, kích cỡ đồng đều, chọn loại khoảng 30-32 trái cho ra một kg, vỏ dày, màu xanh như mới hái trên cây và phải bóng láng, không có những nốt sần sùi. Đây là cửa ải khó qua với doanh nghiệp Việt khi phải chọn được hàng một cách đồng nhất và làm tốt khâu bảo quản để đảm bảo độ tươi ngon. Còn chất lượng, hương vị của chanh Việt hơn hẳn chanh Mexico vốn khá phổ biến ở "đất nước của cây lá phong".

Để tuyển được hàng theo đúng tiêu chuẩn của nước ngoài, suốt 3 tháng, ông cùng cộng sự về miệt vườn miền Tây Nam Bộ tìm tới các chợ lớn ở Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp chọn hàng, vào từng vườn của các hộ dân để hỏi mua. Sau nhiều ngày khảo sát, ông nhận thấy chanh giấy Đức Hòa, Đức Huệ có mã ngoài đẹp và đều trái nên quyết định xuất sang Canada 2 lô hàng đầu tiên thăm dò thị trường.

"Do đã có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang Mỹ nên tôi tin mình sẽ thắng ở thương vụ này để làm bàn đạp đưa một loạt nông sản khác xuất ngoại. Tuy nhiên, tôi đã sai lầm ngay từ khâu căn bản nhất", ông kể lại lần mất trắng mười mấy tấn hàng. Vỏ chanh giấy vốn mỏng nên chúng dễ bị dập khi va chạm vào nhau trong các container. Khi cập cảng, chanh gần như bị hỏng hàng loạt, quả thì rỉ nước, quả móp méo, trầy xước... không thể mang đi lưu thông trên thị trường.

Sau khi xác định mấu chốt vấn đề nằm ở vỏ chanh, ông quyết thử lần nữa. Lần này, ông chọn những cây lâu năm cho trái nhỏ và quan trọng nhất là dày vỏ để chúng còn nguyên vẹn khi sang nước bạn. Sau khi thuyết phục đối tác cho thêm cơ hội, ông gom 3 tấn chanh ở Đồng Tháp xuất ngoại. Nhưng một lần nữa, ông lại thất bại. "Vì không kiểm tra kỹ trước khi đóng gói nên kích thước trái vẫn chưa đồng nhất, quả hơi to, quả lại khá nhỏ, nước còn thấm vỏ ngoài nên chanh mau dập. Tuy lượng hao hụt ít hơn lần đầu (khoảng 40-50%) nhưng giờ đây điều tôi lo lắng nhất là mất uy tín với đối tác", ông chia sẻ.

Phải giải thích và cam kết chặt chẽ, ông mới được phía doanh nghiệp Cananda cho thêm cơ hội nữa. Không cho mình có sai sót gì, ông trực tiếp xuống vựa ở Đồng Tháp lựa từng trái rồi chính tay đóng vào thùng, chứ không giao cho nhà vườn và nhân viên chọn lựa như trước.

chanh2-O.jpg

Sau khi lau sạch từng trái, chanh được chuyển sang phòng có nhiệt độ 5 độ C để đóng vào thùng. Mỗi thùng được bọc một loại nhựa tốt để tránh tiếp xúc môi trường bên ngoài. Ảnh: Phương Nga


Sau khi gom 10 tấn chanh, ông chỉ lựa ra được 20% trong số này đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, 80% còn lại trả hết cho nhà vườn nên họ nhất quyết không chịu bán cho ông. Gác lại mọi công việc ở Sài Gòn, ông chuyển hẳn về miền Tây chuyên tâm chọn nguyên liệu cho thật tốt. Ông thuyết phục bà con yêu cầu của nước ngoài cao nên ông phải có toàn quyền chọn từng trái trong vườn và chấp nhận trả giá cao hơn một chút. “Tôi mất 6 tháng mới ổn định nguyên liệu đầu vào, tạo sự tin tưởng với người trồng chanh để họ an tâm bán chanh cho mình”, ông cho hay.

Một trong những trở ngại khác là chanh phải giữ màu xanh vốn có. Thời gian vận chuyển từ TP HCM đến Canada mất 19 ngày, nên ông phải tìm ra cách bảo quản 40-45 ngày mà chanh vẫn còn độ tươi ngon, giữ được 80% chất lượng.

Nếu sau khi thu mua từ vựa, phân loại xong rồi để chanh ngoài trời, sau đó đóng thùng thì chỉ 3-5 ngày vỏ ngả sang vàng. Ông thử nhiều cách để chanh giữ được lâu như sử dụng thuốc bảo quản trái cây, rửa qua nước ozon... nhưng tất cả đều không có tác dụng. “Tôi luôn tâm niệm mỗi lần thất bại coi như mất khoản học phí. Nếu hết tiền thì chấp nhận nghỉ, nhưng còn tiền đóng thì học tiếp”, ông Thành cho biết.

Sau nhiều ngày nghiên cứu, ông Thành và đội ngũ kỹ sư hóa đi đến quyết định duy trì nhiệt độ lạnh ngay từ đầu và chọn cách đóng gói bằng loại nhựa tốt thay vì lót giấy báo. Trong quá trình vận chuyển về TP HCM, chanh vừa hái xuống được phân loại và đưa vào phòng nhiệt độ 14-15 độ C, lau từng trái để không bị ẩm nước, sau đó đem lượng chanh này sang phòng đóng thùng giữ lạnh ở 5 độ C.

chanh3-O.jpg

Công đoạn cuối cùng là đóng gói vào thùng để xuất chanh sang Canada, được giữ lạnh ở nhiệt độ 5 độ C. Ảnh: Phương Nga


Một đơn vị độc lập phía Canada sẽ kiểm nghiệm bảng phân tích mẫu, phân tích vi sinh do công ty cung cấp. Nếu họ phát hiện chất nào gây hại thì không cho sản phẩm vào cửa khẩu. Ông Thành chia sẻ, khi xuất trái cây sang nước bạn là phải chấp nhận các quy định gắt gao của họ, nhưng nếu có sự kỹ lưỡng, chuẩn bị ngay từ đầu thì có thể vượt qua các rào cản.


Giá chanh công ty chào bán 12 USD một thùng, mỗi thùng 16 kg, xuất khẩu theo giá cam kết từng năm. Tuy nhiên, giá trong nước không ổn định do ảnh hưởng thời tiết nên có lúc ông Thành chấp nhận lỗ 2-3 tháng. Vào năm 2012, ngay mùa lũ lụt ở miền Tây nên rất hiếm chanh, giá mua 55.000-60.000 đồng một kg. "Do đây là thời gian công ty phải xuất như thỏa thuận, dù giá mua chanh gấp 4 lần giá bán, tôi vẫn phải bán”, ông Thành nói. 


Hiện nay, doanh thu công ty tăng 20-30% mỗi năm và dự kiến năm tới tăng gấp 1,5 lần. Mỗi tháng công ty xuất chanh sang Canada khoảng 20 tấn, trung bình một năm dao động 150-180 tấn. Mới đây, tập đoàn quản lý 1.400 siêu thị lớn nhất Canada đặt vấn đề làm việc trực tiếp nhập khẩu chanh, nhưng do nguồn cung ứng chưa đủ, vốn còn hạn chế nên công ty ông chưa tiến hành thỏa thuận chi tiết.

Mai Phương